[Review] Kitchen

Mình cảm thấy đây là một tác phẩm thấm đẫm không khí và lối suy nghĩ của người Nhật, chắc hẳn được khá nhiều người biết đến. Tiểu thuyết ra đời từ năm 1987-1988 và đã giúp Yoshimoto Banana trở thành một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu Nhật Bản đương đại.

Mình mua cuốn này từ lâu rồi, chắc khoảng hơn mười năm trước khi mình còn học cấp 2 bắt đầu tìm hiểu về văn hóa Nhật. Phần nhiều thì lý do khiến mình chọn mua cuốn này là vì chiếc bìa đẹp và tên tác giả ấn tượng (lúc đó chỉ nhớ tác giả trái chuối :)))). Nhưng, trái ngược với ảnh bìa vẽ một căn bếp màu hồng có vẻ tươi vui thì nội dung truyện lại tạo cảm giác sâu lắng đượm buồn, có gì đó mơ hồ, kỳ dị và sờ sợ. Thật sự lúc nhỏ đọc mình cũng không hiểu hết, nên đã drop sau khi đọc khoảng 120 trang. Bây giờ đọc lại mình thấy đúng là tiểu thuyết này không phù hợp với tâm hồn thiếu niên của mình thời đó. Điều mình ấn tượng duy nhất và còn nhớ mãi về Kitchen từ đó đến giờ là người mẹ chuyển giới ở truyện đầu tiên. Nhớ cảm giác khi đọc đến chi tiết này, mình cứ thấy ghê ghê và mất hẳn hứng thú với câu chuyện

Tháng trước mình ngẫu hứng lôi Kitchen ra đọc lại. Bây giờ thì mình có thể hiểu hơn về nội dung rồi, nhưng cảm giác sờ sợ vẫn còn đó, đặc biệt ở truyện thứ hai và mình cũng không thích truyện này lắm. Tiểu thuyết gồm hai truyện ngắn là Kitchen và Bóng trăng, cả hai đều nói về nỗi đau trước sự mất mát người thân và sự chia sẻ, giải thoát của các nhân vật khỏi nỗi đau đó.

  • Kitchen nói nhiều về tình cảm hơn, câu chuyện là sự phát triển tình cảm giữa hai nhân vật chính qua những tương đồng về hoàn cảnh, nỗi đau và khoảng thời gian bên nhau. Cả hai đều cô độc, họ đồng cảm và muốn tìm đến đối phương nhưng còn nhiều lo lắng, ngần ngại… Truyện này tuy có mất mát, nhưng mình cảm nhận được sự ấm áp và có phần gắn với thực tế, dù nam chính trong này phần sau khá ủ rũ, cam chịu. Nữ chính lại là người chủ động hơn, giúp nam chính vực dậy và tiến đến tình yêu của họ ở đoạn cuối. Đoạn Mikage vượt cả chặng đường dài trong đêm đến chỗ Yuichi chỉ để chia sẻ với cậu món katsudon khá dễ thương, cho thấy tình cảm và sự quan tâm mãnh liệt thế nào. Hành động của Mikage cũng đã phá vỡ rào cản giữa cả hai để đối diện nhau và chấp nhận tình cảm của nhau. Nhìn chung thì hai nhân vật này yêu nhau nhưng cứ suy nghĩ nhiều, vì cái này cái kia, rồi vì những nỗi đau mà lần lựa mãi không dám tiến đến. Nhưng cuối cùng họ cũng đã có một kết thúc thỏa đáng.
  • Bóng trăng thì nói nhiều về sự giải thoát và vượt qua nỗi đau. Bao trùm câu chuyện là một cảm giác quanh quẩn, u buồn và kì dị. Những chi tiết liên quan về Urara – cô gái xuất hiện trên cầu – luôn làm mình thấy sờ sợ và nghi hoặc liệu cô ấy có tồn tại không, hay đó chỉ là liên tưởng của Satsuki trong nỗ lực vượt qua cái chết của bạn trai. Truyện này có gì đó ảo ảo, không thực, từ cách xuất hiện của Urara đến đoạn cuối khi Satsuki nhìn thấy Hitoshi bên kia cầu và bộ đồng phục ở nhà Hiigari biến mất. Nói chung mình hiểu đó là những niềm tin, hình dung về sự giải thoát bản thân của nhân vật, nhưng đọc cứ thấy mơ hồ và hơi nặng về tâm lý. Mình không thích truyện này bằng Kitchen cũng vì những lý do đó.

Tóm lại thì quả là người Nhật luôn có những suy nghĩ vô cùng sâu sắc, đôi khi đến mức nặng nề và biến thành một “bóng ma” tâm lý, người Nhật không chia sẻ nhiều mà cứ thế ôm những vướng bận trong lòng. Hai câu chuyện đều kể về những người trẻ nhưng cách họ suy nghĩ và vượt qua nỗi đau cũng khá vất vả. Có lẽ đây là một phần tác giả muốn truyền tải về xã hội Nhật giai đoạn đó cũng như về đời sống tinh thần của người Nhật nói chung.

Kitchen không phải gu truyện của mình, trong quá trình đọc có hơi ám ảnh về những mơ hồ và u buồn của các nhân vật, nhưng thỉnh thoảng đọc những thể loại khác nhau cũng giúp mình có được trải nghiệm thú vị.

Mori

Leave a comment